Thursday, June 14, 2018

ẢNH HƯỞNG CỦA QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐẾN SỰ ĐỔI MỚI CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP


ẢNH HƯỞNG CỦA QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐẾN SỰ ĐỔI MỚI CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP
Hồ Thị Bích Nhơn
Tóm tắt
Quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phương pháp quản lý tài chính ra đời theo yêu cầu đổi mới nền tài chính công, xóa bỏ cơ chế “xin cho”,  và khắc phục nhược điểm của các phương pháp quản lý tài chính trước đây như thu đủ - chi đủ và phương pháp thu chi chênh lệch, đã thu được hiệu quả trong quản lý tài chính giai đoạn 2006-2015, vì vậy giai đoạn hiện nay, cơ chế quản lý tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ngày càng được mở rộng hơn về phạm vi tự chủ, từ việc chỉ áp dụng tự chủ một phần chi thường xuyên cho đến tự chủ toàn bộ trong hoạt động chi thường xuyên đã được mở rộng toàn bộ khoản chi của đơn vị bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển và tiến tới việc tách biệt hoàn toàn tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp khỏi sự bao cấp của NSNN. Đứng trước bước phát triển lớn của nền tài chính công, kế toán – công cụ thể hiện bức tranh tài chính cũng đã có bước chuyển mình đầy kinh ngạc với chế độ kế toán khi Thông tư 107/2017/T-BTC ngày 10 tháng 10 năm 2017 ra đời với sự thay đổi lớn về nguyên tắc kế toán, các yếu tố cơ bản trên BCTC và cách thức trình bày thông tin kế toán.
1.      Giới thiệu:
Trong những năm gần đây, cùng với với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam là sự lớn mạnh của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực hành chính sự nghiệp. Nguồn tài chính cho các cơ quan, đơn vị này hoạt động không chỉ từ nguồn ngân sách mà còn từ các khoản thu phí, lệ phí phần được để lại, từ các hoạt động kinh doanh – dịch vụ, liên doanh, liên kết, và từ các khoản tài trợ, viện trợ, biếu tặng cho, … Vì vậy việc quản lý tài chính đối với từng nguồn kinh phí là sự cần thiết khách quan. Quản lý tài chính là một bộ phận, một khâu của quản lý kinh tế xã hội và là khâu quản lý mang tính tổng hợp. Quản lý tài chính được coi là hợp lý, có hiệu quả nếu nó tạo ra được một cơ chế quản lý thích hợp, có tác động tích cực tới các quá trình kinh tế xã hội theo các phương hướng phát triển đã được hoạch định.
Trong quá trình quản lý tài chính của bộ máy hành chính sự nghiệp, Chính phủ đã áp dụng nhiều phương pháp quản lý tài chính khác nhau: phương pháp thu đủ - chi đủ, phương pháp thu chi chênh lệch, phương pháp định mức và phương pháp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trong đó, phương pháp quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là phương pháp tiên tiến, hiệu quả, khuyến khích đơn vị không ngừng phát triển hoạt động, thực hành tiết kiệm, tăng hiệu suất công tác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng hoàn thành nhiệm vụ, tăng thu nhập tăng thêm và cải thiện đời sống.
Thành công của phương pháp quản lý tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã tạo tiền đề cho sự đổi mới chế độ kế toán hành chính sự nghiệp từ nguyên tắc cơ bản, các yếu tố cơ bản cho đến trình bày thông tin kế toán trên BCTC.
Bài viết này được thực hiện nhằm trao đổi về những ảnh hưởng của quản lý tài chính hành chính sự nghiệp theo cơ chế tự chủ ban hành theo Nghi định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 đến chế độ kế toán của các đơn vị hành chính sự nghiệp.
2.       Nội dung
2.1.  Tổng quan về tài chính hành chính sự nghiệp
Quản lý tài chính HCSN là quản lý tình hình thu và các khoản chi tại các đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm 3 khâu:
         Lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trong phạm vi được cấp có thẩm quyền giao hàng năm;
         Tổ chức chấp hành dự toán thu, chi tài chính hàng năm theo chế độ, chính sách của Nhà nước;
         Quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước.
Vậy để nắm được quản lý tài chính HCSN thì trước hết cần tìm hiểu Ngân sách nhà nước là gì, phạm vi thu – chi NSNN, phân biệt được các đơn vị trong khối HCSN thì mới có thể nắm bắt được tình hình quản lý tài chính HCSN.
2.1.1.     Ngân sách nhà nước và phạm vi thu – chi NSNN
Luật Ngân sách nhà nước số 88/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 định nghĩa
“Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoản thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”
Từ định nghĩa trên chúng ta xác định được phạm vi NSNN bao gồm,
·        Thu NSNN, bao gồm: toàn bộ các khoản thu từ thuế, lệ phí; toàn bộ các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện, trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
·        Chi NSNN, bao gồm: Chi đầu tư phát triển là nhiệm vụ chi của NSNN, gồm chi đầu tư xây dựng cơ bản và một số nhiệm vụ chi đầu tư khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, Chi đầu tư xây dựng cơ bản là các khoản chi nhằm thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chi dự trữ quốc gia là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước để mua hàng dự trữ theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia; Chi thường xuyên là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của các tổ chức khác và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Chi trả nợ là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước để trả các khoản nợ đến hạn phải trả, bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ việc vay; Chi viện trợ; Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
2.1.2.     Phân biệt Cơ quan hành chính và Đơn vị sự nghiệp:
Quản lý tài chính hành chính sự nghiệp là quản lý tình hình thu, chi các nguồn thuộc ngân sách nhà nước tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ khác nhau của từng đơn vị thì cơ chế quản lý tài chính của 2 đơn vị này cũng khác nhau. Trong đó,
·        Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan hành pháp, do nhà nước quyết định thành lập nhằm thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu do NSNN đảm bảo.
·        Đơn vị sự nghiệp công là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước. Nguồn kinh phí sử dụng tại đơn vị sự nghiệp, ngoài NSNN cấp thì nguồn thu sự nghiệp là nguồn kinh phí chủ yếu dùng để chi hoạt động thường xuyên.
2.1.3.     Các phương pháp quản lý tài chính hành chính sự nghiệp:
Quản lý tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp đã trải qua 4 phương pháp quản lý tài chính bao gồm:
·        Phương pháp thu đủ - chi đủ: là phương pháp quản lý tài chính tồn tại trong thời kỳ kinh tế bao cấp 1978-1986, theo đó mọi nhu cầu chi tiêu của các đơn vị được đảm bảo bởi NSNN bằng cách cấp phát theo dự toán đã được duyệt. Đồng thời mọi khoản thu phát sinh tại các đơn vị đều phải nộp lại NSNN theo quy định. Trong nền kinh tế bao cấp, phương pháp quản lý tài chính này đã đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế XHCN, đảm bảo các đơn vị HCSN thực hiện đúng chức năng vào nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là hạn chế quyền tự chủ, tạo tâm lý ỷ lại trông chờ vào NSNN.
·        Phương pháp thu chi chênh lệch: ra đời trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, phương pháp này khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công chủ động khai thác nguồn thu để đảm bảo nhu cầu chi tiêu, nhà nước chỉ cấp phần chênh lệch thiếu so với nhiệm vụ chi NSNN được giao. Tuy nhiên, số tiết kiệm chi mà đơn vị đạt được phải nộp NSNN, điều này đã làm giảm tính tích cực trong việc gia tăng nguồn thu của các đơn vị.
·        Phương pháp tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính: nhằm khắc phục nhược điểm phương pháp thu chi chênh lệch và đáp ứng yêu cầu đổi mới xóa bỏ cơ chế “xin cho”, ngày 21/08/1997, chính phủ đã thông qua chủ trương xã hội hóa 3 lĩnh vực  y tế, văn hóa, giáo dục tại NQ90-CP, từ đó cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm ra đời. Từ 2002 đến nay, cơ chế này đã trải qua 3 giai đoạn, theo đó cơ chế tự chủ được mở rộng dần từ nội dung đến phạm vi tự chủ. Đặc điểm nổi bật của cơ chế này là sau khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và nghĩa vụ nộp NSNN, xác định số tiết kiệm chi và chênh lệch thu chi thì đơn vị HCSN sẽ được dùng để phân phối thu nhập tăng thêm và thành lập các quỹ. Từ đó kích thích các đơn vị HCSN tăng thu, tiết kiệm chi, hoàn thành nhiệm vụ, cải thiện đời sống của NLĐ trong đơn vị. Phương pháp này thành công thể hiện nhà nước đã thực hiện tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, theo đó, nhà nước thực hiện cấp NS cho CQNN và ĐVN loại 4, còn ĐVSN thuộc các lĩnh vực khả năng xã hội hóa cao thì NSNN không hỗ trợ, giá dịch vụ của đơn vị phải kết cấu đủ bù đắp chi phí, từ đó làm giảm áp lực chi tiêu của NSNN.
·        Phương pháp định mức: phương pháp này ra đời cùng lúc với phương pháp tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính. Theo đó, khi phương pháp tự chủ tự chịu trách nhiệm tài chính thí điểm thành công, thì nhược điểm lãng phí lại xuất hiện. Vì vậy, để ngăn tình trạng sử dụng lãng phí tài chính và tạo cơ sở đánh giá trung thực hơn về số tiết kiệm chi và chênh lệch thu chi, nhà nước ban hành tiêu chuẩn và định mức chi trong các đơn vị HCSN. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là định mức không phản ánh kịp thời sự thay đổi cơ chế giá của cơ chế thị trường, và đây là đặc điểm cần sự nỗ lực khắc phục của chính phủ.
2.1.4.     Đặc điểm quản lý tài chính theo chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm
2.1.4.1.          Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm:
·                       Đối với CQHC, nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ bao gồm: Ngân sách cấp thường xuyên hàng năm, phí, lệ phí phần được để lại, các khoản đóng góp, hội phí, các khoản thu hợp pháp khác. Trong đó kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong các CQHC.
·                       Kinh phí trong đơn vị sự nghiệp được tổng hợp từ các nguồn: Ngân sách cấp kinh phí thường xuyên, phí, lệ phí phần được để lại, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết và chi thuê tài sản, các khoản thu hợp pháp khác. Trong đó theo lộ trình xã hội hóa ĐVSN thì nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết và chi thuê tài sản tại các đơn vị sự nghiệp càng ngày càng lớn và dần đảm bảo được tất cả các khoản chi trong đơn vị.
2.1.4.2.          Nội dung chi từ nguồn kinh phí tự chủ:
Tại CQHC và ĐVSN, nguồn kinh phí của đơn vị được dùng để trang trải các khoản chi như: Chi cho con người, chi quản lý hành chính, chi chuyên môn nghiệp vụ, chi sửa chữa, mua sắm tài sản, chi khác. Ngoài các khoản chi trên, nguồn kinh phí tự chủ tài ĐVSN còn được dùng để chi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết và cho thuê, đây là đặc thù riêng của ĐVSN mà CQHC sẽ không tồn tại khoản chi này.
2.1.4.3.          Sử dụng kinh phí tự chủ:
Trong quá trình sử dụng kinh phí tự chủ cho các khoản chi thì ĐVHCN cần chú ý các nguyên tắc sử dụng như sau:
·                           Khi sử dụng kinh phí tự chủ thì được quyết định mức chi, khoán chi nhưng phải thấp hơn tiêu chuẩn, định mức do nhà nước quy định (Ngoại trừ ĐVSN tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển được quy định mức chi cao hơn tiêu chuẩn định mức của nhà nước).
·                           Được xác định số tiết kiệm chi, chênh lệch thu chi và phân phối sử dụng
·                           Được chuyển số kinh phí tự chủ chưa sử dụng sang năm sau.
2.1.4.4.          Tiết kiệm chênh lệch thu chi và phân phối sử dụng:
Sau khi xác định được kết quả hoạt động, CQHC và đơn vị sự nghiệp sẽ được phân phối số tiết kiệm chi và chênh lệch thu chi như sau:
·                           Tại CQHC, số tiết kiệm chi được sử dụng để chi thu nhập tăng thêm tối đa không quá 1 lần lương cấp bậc, chức vụ; chi khen thưởng, phúc lợi; trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Cuối năm, số tiết kiệm chưa phân phối hết phải chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
·                           Đơn vị sự nghiệp được sử dụng chênh lệch thu chi để trích lập quỹ PTHĐSN, lập quỹ Bổ sung thu nhập, lập quỹ khen thưởng – phúc lợi theo quy chế tài chính của đơn vị. Cuối năm, số tiết kiệm chưa phân phối hết phải chuyển vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
2.2.  Ảnh hưởng của quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ đến chế độ kế toán hành chính sự nghiệp:
Kế toán là một công cụ hữu hiệu không chỉ giúp cho các nhà lãnh đạo nắm được thực trạng tài chính nhằm hoạch định kế hoạch phát triển cho tương lai của đơn vị mà còn là công cụ giúp nhà nước quản lý hiệu quả tình hình thực hiện dự toán tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, qua đó xem xét việc thực hiện kế hoạch NSNN hàng năm, phục vụ cho mục đích quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội của đất nước.
2.2.1.     Lịch sử hình thành và phát triển của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp:
Đi cùng với lộ trình đổi mới của các đơn vị hành chính sự nghiệp, sự phát triển kế toán hành chính sự nghiệp đến hiện nay đã trải qua 5 giai đoạn.
2.2.1.1.          Giai đoạn trước 1990: Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn này, nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế bao cấp theo hệ thống kế hoạch hóa tập trung, các thành phần kinh tế chỉ có quốc doanh, tập thể và cá thể mà giữ thành phần chủ đạo là thành phần kinh tế quốc doanh và không có các hoạt động thương mại buôn bán tự do trên thị trường. Theo đó, thời kỳ này tất cả các thành phần kinh tế được áp dụng 1 phương pháp quản lý tài chính là thu đủ - chi đủ. Từ đó quy định hệ thống kế toán duy nhất áp dụng ở Việt Nam trong thời kỳ này là hệ thống kế toán của Liên Xô trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung phản ánh tình hình hoạt động của các đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, kế toán chỉ là công cụ phản ánh thụ động tình hình hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao.
2.2.1.2.          Giai đoạn từ 1990 đến 2002: Đây là giai đoạn đất nước ta chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự xuất hiện của nền kinh tế nhiều thành phần đã tác động đến chức năng và nhiệm vụ của các đơn vị HCSN, ngoài việc nhận bao cấp toàn bộ của NSNN, đơn vị sự nghiệp nào có khả năng thu thì được nhà nước cho phép thực hiện hoạt động SXKD. Theo đó phương pháp quản lý tài chính của các đơn vị HCSN cũng được mở rộng, ngoài phương pháp thu đủ - chi đủ đối với CQHC, thì giai đoạn này các đơn vị nào có khả năng thu thì được nhà nước khuyến khích thu để đảm bảo các khoản chi của đơn vị theo phương pháp thu chi chênh lệch. Về mặt kế toán, với sự ra đời của pháp lệnh kế toán – thống kê, chế độ kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp được ban hành theo Quyết định số 257-TC/CĐKT ngày 01/6/1990 và được thay thế bằng Quyết định số 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996. Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của kế toán Hành chính sự nghiệp là công việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công; tình hình chấp hành dự toán thu, chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước ở đơn vị.
2.2.1.3.          Giai đoạn từ 2002 – 2015: Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp đươc thay thế bằng Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006 nhằm phản ánh tình hình quản lý, kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công, tình hình chấp hành sự toán thu – chi, thực hiện các tiêu chuẩn định mức và quy chế chi tiêu nội bộ của các đơn vị HCSN theo 2 phương pháp quản lý tài chính là thu chi chênh lệch và phương pháp quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ giai đoạn thí điểm (2002-2006) và giai đoạn 2 mở rộng tự chủ (2006-2015)
2.2.1.4.          Giai đoạn 2016 đến nay: Đây là giai đoạn bước ngoặt của chế độ kế toán HCSN, với sự ra đời của luật kế toán số 88 và những thay đổi đáng kể trong quản lý tài chính của các đơn vị HCSN sau thành công từ cơ chế tự chủ 2 giai đoạn trước. Trong giai đoạn này, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đẩy lên giai đoạn cao nhất – toàn bộ đơn vị HCSN đều thực hiện cơ chế tự chủ và đỉnh điểm là xác định các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để xác định giá trị tài sản giao theo cơ chế giao vốn và tách ra ngoài hệ thống HCSN. Trước sự thay đổi đó, chế độ kế toán HCSN đã được thay thế theo TT 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 với nhiều sự thay đổi đột phá phù hợp với cơ chế quản lý tài chính hiện tại của các đơn vị HCSN.
2.2.2.     Những điểm đổi mới của chế độ kế toán HCSN:
Chế độ kế toán HCSN ban hành theo TT 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 ra đời với nhiều sự đổi mới, trong đó có 3 sự đổi mới được coi là đột phá và là nền tảng cho những thay đổi khác, đó là thay đổi về nguyên tắc kế toán, đổi mới nhận định về các yếu tố cơ bản của kế toán và trình bày thông tin kế toán.
2.2.2.1.          Thay đổi nguyên tắc kế toán: Chế độ kế toán HCSN ban hành tại TT 107/2017/TT-BTC đã có sự đổi mới đột phá khi đưa ra nguyên tắc kế toán áp dụng cho mọi định khoản kế toán là nguyên tắc dồn tích. Việc chuyển từ nguyên tắc cơ sở tiền sang cơ sở dồn tích sẽ thể hiện bức tranh về tình hình tài chính của đơn vị HCSN trung thực và hợp lý hơn.
2.2.2.2.          Đổi mới nhận định về các yếu tố cơ bản của kế toán: chế độ kế toán HCSN mới đã có sự thay đổi lớn về nhận định đối với việc ghi nhận nguồn kinh phí có gốc NSNN là nợ phải trả thay vì là vốn chủ sở hữu trước đây. Điều này ảnh hưởng từ sự thay đổi trong suy nghĩ quản lý tài chính: nguồn kinh phí có gốc NSNN không còn được sử dụng theo cơ chế xin – cho mà phải thay đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm – đơn vị nhận kinh phí thì phải hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mới được ghi nhận số thu đổi với khoản kinh phí đó, trường hợp chưa hoàn thành nhiệm vụ thì kinh phí nhận được vẫn là một khoản nợ phải trả nhà nước của các đơn vị HCSN.
2.2.2.3.          Thay đổi cách thức trình bày thông tin kế toán: cách thức trình bày thông tin kế toán của chế độ kế toán HCSN mới được thể hiện trên 2 báo cáo là Báo cáo tài chính thể hiện tình hình tài chính của đơn vị, và báo cáo quyết toán thể hiện tình hình nhận, sử dụng và quyết toán nguồn kinh phí có gốc NSNN. Theo đó, để cung cấp được thông tin cho 2 báo cáo này thì số liệu của các tài khoản trong bảng sẽ được dùng để tổng hợp thông tin báo cáo tài chính – thông tin sẽ được thể hiện một cách trung thực và hợp lý tình hình tài chính của đơn vị, còn số liệu báo cáo quyết toán thì tập hợp từ số liệu trên các tài khoản ngoài bảng. Việc phân chia nội dung trình bày thông tin trên 2 báo cáo như hiện nay sẽ giúp thông tin trên các báo cáo thể hiện trung thực và hợp lý hơn.
Việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính ở các đơn vị sự nghiệp có liên quan trực tiếp đến hiệu quả kinh tế xã hội do đó phải có sự quản lý, giám sát, kiểm tra nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính đồng thời nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn tài chính. Kế toán hành chính sự nghiệp là công cụ phản ánh tình hình tài chính và tình hình sử dụng các nguồn kinh phí thuộc NSNN tài các đơn vị HCSN, vì vậy chế độ kế toán HCSN càng được hoàn thiện thì độ tin cậy của thông tin kế toán càng được nâng cao, phục vụ hiệu quả cho việc quản lý tài chính hành chính sự nghiệp.


Tài liệu tham khảo
1. Bộ tài chính (2017), Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp – TT 107/2017/TT-BTC.
2. Bộ tài chính (2006), Chế độ kế toán HCSN - QĐ 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/03/2006.
3. Bộ tài chính (1996), Chế độ kế toán HCSN - QĐ 999-TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996.
4. Chính Phủ (2015), Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập –NĐ 16/2015/NĐ-CP.
5. Phan Thị Thúy Ngọc (2016), Tài chính hành chính sự nghiệp.
6. Phan Thị Thúy Ngọc (2015), Kế toán hành chính sự nghiệp.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...