Thursday, January 10, 2019

LUẬT PHÁ SẢN NGÂN HÀNG: CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI


LUẬT PHÁ SẢN NGÂN HÀNG: CÁI NHÌN ĐÚNG VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI
ThS. Phạm Thị Phương Thảo
Từ khoá: Luật phá sản ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi
Lời mở đầu:
Ngày 15/01/2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật của tổ chức tín dụng năm 2010 chính thức có hiệu lực, cho phép giải thể phá sản các ngân hàng hoạt động yếu kém. Lúc này, người gửi tiền mới chú ý quan tâm đến quyền lợi của mình sau khi ngân hàng phá sản. Bên cạnh đó, Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tối đa là bảy mươi lăm triệu đồng, đã tạo ra làn sóng “bất an” trong cộng người gửi tiền.
Bài viết này của tác giả với mục tiêu làm rõ vị trí, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời cũng phân tích và gợi ý phương thức gửi tiền “an toàn” theo nhận định của tác giả.
Nội dung:
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập từ năm 1999 và đi vào hoạt động năm 2000, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (Deposit Insurance of Vietnam - DIV) là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn Điều lệ. (1)
Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả cho người gửi tiền.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi thanh toán trong các trường hợp sau:
a) Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm quy định tối đa là 75 triệu đồng)
b) Trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được gia bảo hiểm tiền gửi:
- Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm.
c) Trường hợp người được bảo hiểm tiền gửi có khoản nợ tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì số tiền gửi được bảo hiểm là số tiền còn lại sau khi trừ khoản nợ đó.
Khi các tổ chức tín dụng tham gia Bảo hiểm tiền gửi phải đóng phí. Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính, được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
Ngoài mức phí bảo hiểm tiền gửi kỳ phí đầu tiên của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mới thành lập và hoạt động và mức phí đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sau sáp nhập, hợp nhất thì bảo hiểm tiền gửi được tính định kỳ hàng quý
Công thức tính phí BHTG định kỳ hàng quý
Trong đó:
-  P là số phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp của quý thu phí;
- S0 là số dư tiền gửi được bảo hiểm đầu tháng thứ nhất của quý trước liền kề quý thu phí;
- S1, S2, S3 là số dư tiền gửi được bảo hiểm cuối các tháng thứ nhất, thứ hai, thứ ba của quý trước liền kề quý thu phí;
- m là mức phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp.
Với cơ sở tính phí bảo hiểm tiền gửi là số dư bình quân tiền gửi được bảo hiểm và mức phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định. Số dư bình quân tiền gửi được bảo hiểm là toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi của quý trước liền kề quý thu phí.
Ví dụ: P là số phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp của quý II/2018 thì: S0 là số dư tiền gửi được bảo hiểm ngày đầu tháng 01/2018; S1 là số dư tiền gửi được bảo hiểm ngày cuối tháng 01/2018; S2 là số dư tiền gửi được bảo hiểm ngày cuối tháng 02/2018; S3 là số dư tiền gửi được bảo hiểm ngày cuối tháng 03/2018.
Nội dung trình bày đã phát hoạ những nét cơ bản về bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giúp người đọc có cái nhìn khái quát về bảo hiểm tiền gửi. Sau đây, tác giả xin đề cập đến vấn đề tiếp theo, khi ngân hàng phá sản thì người gửi tiền được thanh toán tối đa là bao nhiêu và vì sao bảo hiểm tiền gửi không là 100% giá trị tiền gửi?
Theo mục 2 luật bảo hiểm tiền gửi quy định, tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.
Khi ngân hàng phá sản thì theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là bảy mươi lăm triệu đồng”, bên cạnh đó người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật phá sản như sau: (1) Chi phí phá sản; (2) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; (3) Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;….
Như đã phân tích ở nội dung trên, hàng quý ngân hàng phải đóng bảo hiểm tiền gửi và được tính vào chi phí hoạt động của ngân hàng. Nếu gia tăng con số này lên thì đây là một phần phí không hề nhỏ, và sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận riêng của từng ngân hàng và lợi nhuận chung của cả ngành.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), hạn mức trả tiền bảo hiểm phù hợp phải thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: hạn mức phải đủ cao để bảo vệ đại đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ, có hiểu biết hạn chế; hạn mức phải đủ thấp để đảm bảo kỷ luật thị trường và hạn chế những rủi ro đạo đức xảy ra.
Ở yếu tố thứ hai, nếu chi trả 100%, diễn giải của IADI là tình huống người gửi tiền chỉ muốn gửi vào những ngân hàng có lãi suất cao mà không quan tâm đến rủi ro, do đã có bảo hiểm tiền gửi chi trả 100%, và khi đó các ngân hàng chạy đua lãi suất bất chấp rủi ro để thu hút người gửi tiền.
Không những thế “tình huống” để khách hàng gửi tiền vào ngân hàng khi ngân hàng phá sản và nhận lại được số tiền theo kịch bản xấu nhất là bảy mươi lăm triệu đồng (giả sử người này gửi hơn con số bảy mươi lăm triệu đồng) theo cơ chế hiện nay rất khó xảy ra. Vì muốn phá sản một ngân hàng, đầu tiên ngân hàng phải rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (thời gian vài năm), trong thời gian đó các cơ quan ban ngành có liên quan xây dựng các phương án khắc phục. Trong trường hợp không khắc phục được thì lại đến bước sáp nhập hợp nhất. Khi nào không thành công thì sẽ đến phá sản. Không những vậy tại điều 146 khoản d quy định về khoản vay đặc biệt trong giai đoạn tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, … để ưu tiên hoàn trả trước các khoản nợ khác.
Tóm lại:
“Luật phá sản ngân hàng” là một hướng đi tất yếu trong nền kinh tế thị trường và trong xu thế hội nhập thế giới. Vấn đề, là các cơ quan ban ngành cần có những hướng dẫn và chính sách phù hợp để hỗ trợ người gửi tiền trong tình huống xấu nhất. Đồng thời những người gửi tiền hãy là những người gửi tiền “thông minh”, hãy lựa chọn cho mình những cách thức gửi tiền và lựa chọn cho mình những ngân hàng uy tín.
Tài liệu tham khảo
Luật các tổ chức tín dụng 2010
Luật bảo hiểm tiền gửi 2012
Luật phá sản 2104
Luật sửa đổi bổ sung một số điều luật tín dụng 2017


No comments:

Post a Comment

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...