Thursday, January 10, 2019

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.


Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.
TS. Vũ Quốc Thông
Khoa Kế toán – Kiểm Toán, ĐH Mở TP. HCM
     E: thong.vq@ou.edu.vn    SĐT: 091.668.26.26
Đặt vấn đề
Ứng dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu của thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Khái niệm hóa đơn điện tử dần được chấp nhận và sử dụng rộng rãi trong giao dịch mua bán với sự hỗ trợ của máy tính, phần mềm. Bài viết ra đời trong ngữ cảnh Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi từ việc giao dịch bằng hóa đơn giấy sang hóa đơn số hóa; theo quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Tác giả mở đầu khái quát về hóa đơn điện tử, trình bày khung pháp lý cho việc ứng dụng. Kế tiếp, bài viết giải thích cơ bản về mô hình ứng dụng phần mềm quản lý hóa đơn điện tử và các bước đăng ký triển khai trên phần mềm. Dựa trên số liệu từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm, nội dung bài viết sơ lược qua tình hình triển khai cũng như những lợi ích của hóa đơn điện tử. Trên cơ sở của những luận dẫn trong bài, tác giả ở phần kết khẳng định hoạt động triển khai và sử dụng hóa đơn điện tử đang là xu hướng tất yếu cho nền kinh tế Việt Nam thời hội nhập…
Từ khóa: hóa đơn điện tử; e-invoice.
1. Khái lược về hóa đơn điện tử (e-invoice)
Hóa đơn điện tử là gì?
Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật (Điều 20, Luật KT 88/2015-Quốc Hội). Tờ hóa đơn có thể xem như vật mang tin, trong đó bao gồm những thông tin mua, bán hàng hóa do người bán lập và ghi nhận. Đặt vào ngữ cảnh tin học hóa đối với giao dịch do kế toán ghi nhận, chúng ta có khái niệm “hóa đơn điện tử” (electronic invoice, viết tắt là e-invoice).
Xét ở góc độ công nghệ thông tin, hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về nghiệp vụ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ. Thông điệp dữ liệu điện tử này được lập, gửi, lưu trữ và quản lý bằng phương tiện tin học / phần mềm. Đây được xem là giải pháp toàn diện thời công nghệ giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp có thể phát hành, phân phối, xử lý các nghiệp vụ cũng như lưu trữ hóa đơn điện tử thay thế cho việc phát hành và sử dụng hóa đơn giấy.
Thực thể hóa đơn điện tử phải được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống phần mềm của doanh nghiệp đã được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên hệ thống máy tính kết nối mạng theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (Hình 1). Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, hóa đơn điện tử là phương tiện minh chứng cho giao dịch thương mại. Việc ứng dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cấu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Lợi ích ứng dụng và chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử trong các doanh nghiệp sẽ được trình bày ở những phần sau trên quan điểm của các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.
Hình 1. Tra cứu hóa đơn điện tử lưu trữ trên ứng dụng phần mềm kết nối mạng
Trên hóa đơn điện tử (Hình 2) bao gồm những nội dung cơ bản như sau (điều 6 – Nghị định 119/2018/NĐ-CP):
  • Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự hóa đơn; Ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu, số thứ tự trên hóa đơn;
  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;
  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua;
  • Tên hàng hóa, dịch vụ; đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hoá, dịch vụ; thành tiền ghi bằng số và bằng chữ. Đối với hóa đơn giá trị gia tăng, ngoài dòng đơn giá là giá chưa có thuế giá trị gia tăng, phải có dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền phải thanh toán ghi bằng số và bằng chữ;
  • Chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật của người bán, người mua (nếu có); ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn…














Hình 2. Các nội dung cơ bản trên hóa đơn điện tử
Khung pháp lý cho việc ứng dụng
Từ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Chính phủ đã đề cập đến việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp dưới sự quản lý của cơ quan thuế, hỗ trợ về việc các nhà cung cấp giải pháp phần mềm thực hiện giải pháp kết nối phần mềm kế toán doanh nghiệp với phần mềm ứng dụng lưu trữ hóa đơn điện tử.
Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra cho các nhà cung cấp phần mềm, hoạt động chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử vẫn được xem là yêu cấu tất yếu cho một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch, mang tính hội nhập vào nền kinh tế quốc tế (Cao Anh Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, 2018). Trong quá trình xây dựng và đến khi ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính (2018) cũng đã tiến hành thí điểm với 200 doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử. Nghị định 119/2018/NĐ-CP khi được ban hành vào ngày 12/9/2018 đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong vòng 24 tháng tính từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020 với chi tiết thực hiện cụ thể như sau:
-         Trong thời gian từ 1/11/2018 đến 31/10/2020, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử; nếu cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy thì phải gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế cùng với nộp tờ khai thuế GTGT.
-         Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh thành lập mới trong thời gian từ ngày 1/11/2018 đến 31/10/2020 được cơ quan thuế thông báo thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử thì phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Trong giai đoạn chuyển tiếp từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2020, Bộ tài chính dựa trên cơ sở của Nghị định 119/2018/NĐ-CP sẽ ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xử lý số hóa đơn giấy còn tồn khi doanh nghiệp đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử. Hướng dẫn xử lý sẽ theo hướng đối với doanh nghiệp còn tồn hóa đơn giấy thì cơ quan thuế sẽ hủy số hóa đơn này cùng với thời điểm doanh nghiệp chính thức áp dụng hóa đơn điện tử (Cao Anh Tuấn, 2018).
2. Ứng dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp
Mô hình ứng dụng
Tham khảo một số mô hình ứng dụng hóa đơn điện tử từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm bao gồm công ty PMKT Misa, Fast Accounting và PMKT NC9, tác giả trình bày mô hình đại diện thể hiện việc ứng dụng hóa đơn điện tử theo dạng kết nối với phần mềm kế toán và liên kết với cơ quan Thuế (Hình 3).
Hình 3. Mô hình ứng dụng hóa đơn điện tử liên kết (nguồn minh họa: MeInvoice.vn)
Theo mô hình, phần mềm kế toán tại doanh nghiệp bán hàng sẽ kết nối với phần mềm quản lý hóa đơn điện tử …. Khi người kế toán phát hành hóa đơn trên phần mềm kế toán, dữ liệu hóa đơn sẽ được gửi đến phần mềm quản lý hóa đơn điện tử. Phần mềm quản lý hóa đơn điện tử sẽ kết nối hệ thống máy tính ở Tổng cục thuế để yêu cầu mã xác thực và nhận lại hóa đơn điện tử có mã xác thực từ cơ quan thuế. Phần mềm quản lý hóa đơn điện tử sẽ chuyển bản copy hóa đơn điện tử có mã xác thực đến phần mềm kế toán tại doanh nghiệp bán hàng. Doanh nghiệp sẽ email thông báo cho khách hàng (Hình 4). Máy tính của khách hàng với kết nối Internet có thể truy cập vào phần mềm quản lý hóa đơn điện tử và nhập mã tra cứu hóa đơn để xem, kết xuất và in ấn.
Hóa đơn điện tử sẽ được lưu trữ trên phần mềm quản lý hóa đơn theo đúng quy định của pháp luật kế toán – lưu trữ ít nhất 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập sổ kế toán và báo cáo tài chính năm (Điều 41, Luật KT 88/2015-Quốc Hội).
Hình 4. Email thông báo về hóa đơn điện tử với mã tra cứu để thực hiện truy cập vào hóa đơn đã lưu trữ trên phần mềm quản lý hóa đơn điện tử.
Các bước triển khai trên phần mềm
Trên thị trường hiện nay có nhiều phần mềm quản lý hóa đơn điện tử được phát triển bởi Tổng công ty VNPT, Viettel, công ty phát triển công nghệ Thái Sơn (phần mềm E-Invoice), công ty SoftDreams (phần mềm EasyInvoice), công ty Fast (Fast e-Invoice), công ty Misa (MeInvocie)… Theo kinh nghiệm của các nhà cung cấp giải pháp phần mềm, các phần mềm kế toán khi đã đưa vào vận hành như là PMKT Misa, Fast Accounting, AMNote (của công ty NC9) sẽ cần được kết nối với một phần mềm quản lý hóa đơn điện tử cụ thể nhằm giúp khách hàng lập, lưu trữ và quản lý hóa đơn điện tử. Bên cạnh kỹ thuật công nghệ thông tin kết nối ứng dụng phần mềm kế toán với phần mềm quản lý hóa đơn điện tử, nhà cung cấp giải pháp phần mềm sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đăng ký hóa đơn điện tử với các thủ tục cơ bản:
- Thứ nhất, tìm kiếm mẫu lập quyết định hóa đơn điện tử theo phụ lục 1 Thông tư số 32/2011/TT-BTC.
- Thứ hai, tiến hành lập thông báo để phát hành hóa đơn điện tử theo mẫu số 1 phụ lục của Thông tư 32.
- Và thứ ba, truy cập vào phần mềm xử lý hóa đơn của Tổng cục thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Để có thể triển khai và hiện thực hóa đơn điện tử theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, sau khi hoàn thành 3 bước nêu trên doanh nghiệp cần gửi tới cơ quan thuế bằng cách in ra gửi văn bản trực tiếp hoặc gửi qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Cơ quan thuế sẽ phản hồi lại việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp.
Tóm lại, sau khi thực hiện đăng ký phát hành hóa đơn với cơ quan thuế, các nhà cung cấp giải pháp phần mềm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi tạo hoá đơn điện tử trên ứng dụng và tiến hành phát hành hoá đơn điện tử trong quá trình giao dịch bán hàng.
3. Tình hình triển khai hóa đơn điện tử
Tình hình triển khai
Với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện hóa đơn điện tử với khoảng 90% số doanh nghiệp. Nói cách khác là khoảng 90% lượng hàng hóa được giao dịch mua bán lưu thông  và kiểm soát bằng chứng từ là hóa đơn điện tử. Điều này cho thấy việc sử dụng hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu. Từ đầu năm 2018, ngành Điện đã đẩy mạnh việc triển khai phần mềm quản lý hóa đơn điện tử E-Invoice (phần mềm của công ty phát triển công nghệ Thái Sơn). Thay vì phải cử nhân viên điện lực đi phát phiếu thu, thông báo điện cho các hộ dân hàng tháng, thì khi sử dụng hoá đơn điện tử ngành điện sẽ dễ dàng thông báo đến người dân bằng tin nhắn thông qua các nhà mạng, đảm bảo thông tin sẽ được truyền đi nhanh nhất và chính xác nhất đến tay người tiêu thụ điện. Ngành điệm giảm thiểu được chi phí vận chuyển và công sức lao động, giúp tiết kiệm được chi phí sử dụng hoá đơn giấy. Bên cạnh đó phần mềm quản lý hóa đơn điện tử E-Invoice của công ty được kết nối với cơ quan thuế, do đó việc thực hiện các chính sách thuế trở nên minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều so với sử dụng hóa đơn giấy.
Đại diện công ty cung cấp giải pháp PMKT Misa SME cho biết vì phần mềm quản lý hóa đơn MeInvoice được tích hợp chung với phần mềm Kế toán doanh nghiệp MISA SME.NET 2017 nên hầu hết các khách hàng DN vừa và nhỏ đang sử dụng PMKT Misa đều có xu hướng sử dụng thêm MeInvoice.vn. Tính đến cuối năm 2018, số lượng doanh nghiệp có ứng dụng phần mềm quản lý hóa đơn MeInvoice kết hợp với phần mềm kế toán tại đơn vị là 10.245 doanh nghiệp (Công ty Misa, 2018). Trong đó, một số doanh nghiệp sử dụng MeInvoice có số lượng hóa đơn giao dịch trên 20.000 chứng từ trong tháng phải kể đến bao gồm công ty TNHH vật liệu xây dựng Hải Sơn, công ty CP kỹ nghệ Que Hàn, công ty TNHH dược phẩm Khang Vinh, công ty chế biến thực phẩm Hoa Sen, công ty TNHH nhãn mác và bao bì MaXim Việt Nam, công ty TNHH Huệ Nguyên, công ty CP dịch vụ Chu Du Hai Bốn…
Theo cô Hồng Thương, quản lý PMKT AMNote của công ty cung cấp giải pháp phần mềm NC9 tính đến giữa năm 2018, số khách hàng sử dụng phần mềm kế toán bắt đầu yêu cầu dịch vụ kết nối phần mềm quản lý hóa đơn điện tử đã tăng lên đáng kể. Những khách hàng tiêu biểu được nhà cung cấp giải pháp PMKT ANnote cho biết bao gồm Hệ thống siêu thị Kmart, công ty TNHH KIỂM TOÁN E-JUNG, công ty TNHH GIT ACADEMY VIỆT NAM, công ty TNHH GLORYDAYS FASHION, công ty Posco A&C, công ty TNHH CJ E&C Việt Nam, công ty TNHH MỘT THÀNH VIÊN PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SKY YR, công ty TNHH DỆT NAMYOUNG VINA, công ty TNHH MAY XUẤT KHẨU WONJIN, công ty TNHH CL LOGISTICS, công ty TNHH Thời Trang Xoài, công ty TNHH Nông Trại SamGong…(Hồng Thương, Cty NC9, 2018).
Theo như chia sẻ của các nhà cung cấp giải pháp, việc áp dụng hóa đơn điện tử vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Điều này có thể nhận thấy chủ yếu là do “tính mới” liên quan đến công nghệ kết nối mạng, ý niệm giao dịch dựa trên chứng từ điện tử và khuôn khổ pháp lý ở mức ban đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, như nhà cung cấp giải pháp phần mềm Fast khẳng định: phần mềm quản lý hóa đơn điện tử là giải pháp cho doanh nghiệp thời công nghệ, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Hoạt động chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử được xem là yêu cầu tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0 và hội nhập kinh tế thế giới (Phan Quốc Khánh, giám đốc công ty giải pháp phần mềm Fast).
Các nhà cung cấp giải pháp phần mềm trong thực tế được sự phối hợp từ các doanh nghiệp và bị ràng buộc bởi yêu cầu bắt buộc của Chính phủ, cụ thể theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Chính phủ Việt Nam chính thức đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2020.
Lợi ích của việc ứng dụng hóa đơn điện tử
Có những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp khi ứng dụng hóa đơn điện tử được nhà cung cấp giải pháp phần mềm cho biết:
-         Công ty CP Misa cho biết việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (rút ngắn tới 90% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)... Khi sử dụng hóa đơn điện tử, DN không cần chờ đợi nhận được hóa đơn như cách làm truyền thống. Với vài thao tác trên máy tính kết nối mạng, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào.
-         Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn. Đồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy... Về vấn đề bảo mật hóa đơn điện tử lưu trữ trên ứng dụng quản lý hóa đơn MeInvoice của công ty Misa được mã hóa bằng công nghệ Blockchain giúp tăng tính bảo mật và chống giả mạo chứng từ điện tử. Với công nghệ bảo mật Blockchain, thông tin hóa đơn của khách hàng không thể bị đánh cắp hoặc giải mã xem chi tiết nếu không có phân quyền và mã xác thực.
-         Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Như vậy, doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận.
Cô Hồng Thương, quản lý PMKT AMNote cũng là đơn vị cung cấp giải pháp quản lý hóa ơn điện tử nhận định: với việc hóa đơn điện tử sẽ dần thay thế vị trí của hóa đơn giấy trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, công tác quản lý của cơ quan thuế được thực hiện theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp, báo cáo dữ liệu từ hóa đơn điện tử, thay vì các phương pháp thủ công như sử dụng hóa đơn giấy. Việc các phần mềm quản lý hóa đơn điện tử có kết nối mạng về cơ quan thuế sẽ giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Điều này hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp.
4. Tạm kết
Bài viết trình bày những nét nổi bật về ứng dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp; bắt nguồn từ khái niệm e-invoice đến khung pháp lý cho việc ứng dụng bao gồm Luật Kế toán 88/2015/QH, Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Thông tư số 32/2011/TT-BTC và Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Trải qua khoảng thời gian 8 năm xây dựng nền móng và ở bước đầu triển khai, việc ứng dụng hóa đơn điện tử  được cụ thể hóa tại nhiều doanh nghiệp thông qua các phần mềm quản lý hóa đơn điện tử.
Với các thông tin hữu ích từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm, tác giả bài viết cũng phác thảo mô hình hoạt động liên kết mạng giữa phần mềm quản lý hóa đơn điện tử với phần mềm kế toán và hệ thống của cơ quan thuế. Bên cạnh kỹ thuật công nghệ thông tin kết nối ứng dụng phần mềm kế toán với phần mềm quản lý hóa đơn điện tử, các nhà cung cấp giải pháp phần mềm cũng chia sẻ các bước hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Các nhà cung cấp giải pháp phần mềm cho rằng khi đưa vào sử dụng hóa đơn điện tử sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Mặc dù còn nhiều thách thức đặt ra cho các nhà cung cấp phần mềm, hoạt động triển khai và sử dụng hóa đơn điện tử rộng khắp là điều cần thiết cho một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch, mang tính hội nhập vào nền kinh tế quốc tế…
Tài liệu tham khảo
Luật Kế toán số 88/2015/QH
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP
Thông tư số 32/2011/TT-BTC
Cao Anh Tuấn, 2018. Lộ trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử trong 24 tháng. <http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2018-09-18/lo-trinh-chuyen-doi-tu-hoa-don-giay-sang-hoa-don-dien-tu-trong-24-thang-62083.aspx>.  Truy cập [ngày 29/12/2018].
Nguyễn Thị Hồng Thương, công ty TNHH AM ACCOUNTING, 2018. < https://www.amnote.com/?lang=vi>. Truy cập [ngày 30/12/2018].
Phan Quốc Khánh, công ty giải pháp PMKT Fast, 2018. < http://fast.com.vn>. Truy cập [ngày 30/12/2018].
Công ty CP Misa, 2018. Phần mềm quản lý hóa đơn MeInvoice. <https://www.meinvoice.vn>. Truy cập [ngày 30/12/2018].
Công ty Phát triển công nghệ Thái Sơn, 2018. Ứng dụng hoá đơn điện tử trong ngành điện. <https://einvoice.vn/tin-tuc/ung-dung-hoa-don-dien-tu-trong-nganh-dien>. Truy cập [ngày 30/12/2018].



Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...