Thursday, January 10, 2019

KỸ NĂNG THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ TRONG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN


KỸ NĂNG THANH TRA, KIỂM TRA THUẾ TRONG CHUYỂN NHƯỢNG VỐN

Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Khoa Kế toán – Kiểm toán

1. Đặt vấn đề
Trốn thuế vừa là hành vi vi phạm pháp luật thuế của các tổ chức để giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn trả hoặc được miễn giảm; vừa là hiện tượng xã hội, vận động và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Để ngăn ngừa hiện tượng tiêu cực này, cơ quan ban hành lập pháp đã và đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau từ hỗ trợ, tuyên truyền, đến xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật bao gồm cả biện pháp xử lý nghiêm khắc có thể bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả cung cấp một số kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế trong chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn ở Việt Nam. Kết cấu bài viết gồm 6 phần: Phần 1. Đặt vấn đề; phần 2. Khái niệm chuyển nhượng vốn; phần 3. Đặc diểm của doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn; phần 4. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn; phần 5. Kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế trong chuyển nhượng vốn; phần 6. Kết luận.
2. Khái niệm chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp).
Trường hợp doanh nghiệp bán toàn bộ Công ty TNHH MTV do tổ chức làm chủ sở hữu dưới hình thức chuyển nhượng vốn có gắn với bất động sản thì kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Trường hợp doanh nghiệp có chuyển nhượng vốn không nhận bằng tiền mà nhận bằng tài sản, lợi ích vật chất khác (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ...) có phát sinh thu nhập thì phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
3. Đặc diểm của doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn
Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn và các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động chuyển nhượng vốn là các chủ thể hoàn toàn khác nhau.
            Việc chuyển nhượng vốn trong một số trường hợp thực hiện bằng tiền mặt hoặc thông qua các tài khoản không đăng ký với cơ quan thuế.
            Doanh nghiệp không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua các công ty con tại quốc gia khác: (i) Có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam và thực hiện chuyển nhượng vốn trực tiếp tại Việt Nam để áp dụng ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần; (ii) Thực hiện chuyển nhượng vốn gián tiếp tại Việt Nam thông qua việc bán toàn bộ công ty con để lách việc khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
4. Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn
4.1 Đối với thuế giá trị gia tăng
            Doanh nghiệp không lập hóa đơn khai thuế giá trị gia tăng hoạt động chuyển nhượng vốn vào tờ khai thuế giá trị gia tăng (do doanh thu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng).
            Trường hợp doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hoạt động chuyển nhượng vốn kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng hàng hóa, dịch vụ mua vào có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn như phí tư vấn...
            Ngoài ra, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hoạt động chuyển nhượng vốn kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào cho hoạt động chuyển nhượng vốn và hoạt động khác.
4.2 Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp
            Khi có hoạt động chuyển nhượng vốn, doanh nghiệp không lập hóa đơn và thanh toán qua ngân hàng đối theo quy định.
            Doanh nghiệp khai giá chuyển nhượng không phù hợp với giá thị trường, kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn so với vốn ban đầu và lợi nhuận chưa phân phối, hoặc thấp hơn so với giá chuyển nhượng.
            Doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi danh sách cổ đông không kê khai, nộp thuế thay cho cá nhân thay vì phải kê khai cho hoạt động chuyển nhượng vốn.
            Doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vốn là doanh nghiệp Việt Nam không khấu trừ thuế, kê khai và nộp thay tổ chức nước ngoài số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
            Thí dụ công ty mẹ tại Đức đầu tư vào công ty Metro Việt Nam gián tiếp thông qua công ty con tại Hà Lan – Việt Nam có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Hà Lan, và thực hiện hoạt động chuyển nhượng vốn trực tiếp tại công ty Metro Việt Nam cho một công ty Thái Lan.
5. Kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế trong chuyển nhượng vốn
5.1 Kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế giá trị gia tăng
            Để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thuế trước hết cần kiểm tra doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn thông qua các tài khoản 121, 128, 221, 222, 228, 515, 635 đối chiếu với việc lập hóa đơn và chỉ tiêu hàng hóa dịch vụ bán ra không chịu thuế giá trị gia tăng (chỉ tiêu 26) trên tờ khai thuế giá trị gia tăng (mẫu 01/GTGT) để xác định việc khai thuế giá trị gia tăng phù hợp chưa.
            Kiểm tra thuế giá trị gia tăng đầu vào kê khai khấu trừ thuế đối với các khoản chi phí có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn.
            Kiểm tra việc phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào ở chỉ tiêu 24 và chỉ tiêu 25 trên tờ khai thuế giá trị gia tăng (mẫu 01/GTGT).
5.2 Kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp
·  Tại doanh nghiệp thực hiện hoạt động chuyển nhượng vốn: Cần kiểm tra sự biến động các tài khoản 121, 128, 221, 222, 228 để xác định doanh nghiệp có phát sinh hoạt động chuyển nhượng vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp khác, trên cơ sở đó kiểm tra doanh thu và chi phí có liên quan.
·  Tại doanh nghiệp có phát sinh các hoạt động chuyển nhượng vốn: Cần kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư qua các lần thay đổi để xác định doanh nghiệp là chủ sở hữu có chuyển nhượng vốn, trên cơ sở đó yêu cầu cung cấp hồ sơ, chứng từ chứng minh doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quy định.
·  Ngoài ra, còn có thể thực hiện kỹ năng kiểm tra giá chuyển nhượng. Để thực hiện kỹ năng này, cần: (i) Kiểm tra, đối chiếu hợp đồng chuyển nhượng vốn với các chứng từ có liên quan; (ii) Đối chiếu giá chuyển nhượng với giá trị phần vốn góp ban đầu, lợi nhuận chưa phân phối, hoặc lỗ lũy kế trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán; đồng thời kết hợp ước tính lợi thế thương mại, các yếu tố về giá thị trường...; (iii) Xác minh tài khoản ngân hàngcủa các cá nhân, tổ chức hoặc đại diện pháp luật của các tổ chức tham gia chuyển nhượng; (iv) Kiểm tra hồ sơ kê khai thuế, đăng ký kinh doanh qua từng thời kỳ.
6. Kết luận
            Việc thanh tra, kiểm tra thuế là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống gian lận, thất thu thuế nhằm đảm bảo nguồn thu NSNN. Qua bài viết này, tác giả giới thiệu các khái niệm và đặc điểm của doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng vốn, các hành vi vi phạm về thuế liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn, và một số kỹ năng thanh tra, kiểm tra thuế trong hoạt động chuyển nhượng vốn.
Tài liệu tham khảo
Công văn 18115/BTC-TCT ngày 27 tháng 12 năm 2013.
Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2013.
Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014.
Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22 tháng 06 năm 2015.
Thông tư 130/2016/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2016.
Thông tư 41/2017/TT-BTC  ngày 28 tháng 04 năm 2017.
Thông tư 93/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 9 năm 2017.


No comments:

Post a Comment

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...