Thursday, January 10, 2019

LÝ THUYẾT ÁP DỤNG TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM


LÝ THUYẾT ÁP DỤNG TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP VÀ THỰC TRẠNG Ở VIỆT NAM
Đỗ Phương Thảo
Khoa Kế Toán – Kiểm Toán
Trường Đại Học Mở TpHCM
Tóm tắt:
Ở các nền kinh tế phát triển, trách nhiệm xã hội (CSR) là một khái niệm không còn xa lạ từ nhiều năm qua. Nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều định nghĩa, nhiều mô hình áp dụng CSR. Từ những quan điểm xem việc thực hiện CSR nên là sự tự nguyện hay quan điểm trái ngược xem CSR là một bắt buộc đến việc xem mô hình thực hiện CSR nên là một sự kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc. Bài viết đưa ra những học thuyết của một số tác giả ủng hộ các quan điểm trên. Sau đó bàn luận về thực trạng thực hiện CSR ở Việt Nam.
1. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì?
Hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất cho việc đinh nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gì? Hội đồng doanh nghiệp thế giới đã định nghĩa trách nhiệm xã hội như là một cam kết liên tục của các hành vi hoạt động kinh doanh có đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, song song với việc phát triển môi trường làm việc cho nhân viên và đời sống của họ và gia đình, cũng như những cam kết cho việc phát triển cộng đồng1. Chính phủ Anh định nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như sau: “... là hành động do doanh nghiệp tự nguyện thực hiện, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp lý tối thiểu, nhằm thỏa mãn nhu cầu cạnh tranh của doanh nghiệp và lợi ích của toàn xã hội”.
Tại sao doanh nghiệp lại cần phải thể hiện trách nhiệm xã hội?
Trách nhiệm xã hội là một nhân tố quan trọng trong môi trường kinh doanh hiên đại và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường xã hội, nơi mà thị trường vốn, thị trường nhân lực, nguyên vật liệu là yếu tố đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp. Quan hệ cơ hữu này giữa doanh nghiệp và xã hội tạo ra một trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp phải bồi dưỡng, cải tạo, gìn giữ cho sự phát triển bền vững của mình.
Hoạt động của doanh nghiệp phải tuân thủ theo pháp luật nhưng có một thực tế là một bộ phận doanh nghiệp lách luật để tạo ra các khoản lợi ích kinh tế siêu ngạch cho mình. Giả sử, doanh nghiệp nào cũng được quyền hành động như vậy một cách tự do mà không có một chế tài thích đáng thì trật tự xã hội sẽ rối loạn và môi trường kinh doanh sẽ bị xâm hại. Một doanh nghiệp làm ăn chạy theo lợi nhuận thuần túy không quan tâm đến môi trường sống của con người thì điều gì sẽ xảy ra với hoạt động của doanh nghiệp? Câu trả lời mà cũng là bài học nhãn tiền cho các doanh nghiệp làm ăn theo cung cách như vậy là người tiêu dùng dần quay lưng với các sản phẩm của doanh nghiệp. Một ví dụ điển hình là trước đây có rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc theo chiến lược kinh doanh cạnh tranh về giá với các sản phẩm nước ngoài bằng bất cứ giá nào ngay cả không tuân thủ theo các quy định về an toàn sức khỏe con người, môi trường sinh thái thì nay với quan niệm đồ Trung Quốc rẻ nhưng độc hại đang ngày càng phổ biến đối với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngược lại, doanh nghiệp luôn tuân thủ pháp luật, làm ăn trong sáng, và tích cực các hoạt động từ thiện, tham gia các chương trình phục vụ cộng đồng thì thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây chính là khoản lợi ích tiềm năng mà trong tương lai doanh nghiệp sẽ thu lại được khi thực thi trách nhiệm xã hội.
Như vậy, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội góp phần tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh giúp cho bản thân doanh nghiệp có cơ hội không những tăng trưởng mà còn hướng tới sự phát triển bền vững.
2. Các lý thuyết về áp dụng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp:

Theo McWilliams và Siegel (2001), định nghĩa về CSR của Carroll đã đưa ra ý tưởng rằng CSR vượt lên trên sự tuân thủ. Điều này ngụ ý rằng chế độ này có nhiều lợi thế, nó có thể cải thiện kết quả của các khía cạnh chính sách truyền thống. Nó là một công cụ quản lý không gắn liền với các yêu cầu pháp lý. Michael và Kerry đề cập đến chế độ tự nguyện bao gồm các khái niệm CSR trong quy định của công ty đề cập đến quy trình thực hiện CSR. Nó phụ thuộc vào tùy loại hình doanh nghiệp (Michael và R. Kerry). Theo Carlo, các doanh nghiệp có thể nâng cao hình ảnh công khai của họ, giảm chi phí, đạt được sự hài lòng giữa các bên liên quan. Chế độ này cũng giúp cung cấp các hành động linh hoạt theo tùy từng loại hình doanh nghiệp và yêu cầu của họ.
Lý thuyết tự nguyện khác dựa trên ý tưởng đạo đức chỉ ra các thực thể trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ đạo đức (Garriga & Melé, 2004). Giả thuyết này cho rằng CSR nằm ngoài luật pháp dựa trên khái niệm về quyền phổ quát và lợi ích chung. Theo cách này, doanh nghiệp phải đóng góp cho xã hội bằng cách cung cấp hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả và tôn trọng quyền của cá nhân. Chế độ tự nguyện đòi hỏi sức mạnh tổ chức, chuyên môn và đầu tư đáng kể. Kết hợp CSR phụ thuộc vào quy mô của các công ty.
Tuy nhiên, chế độ tự nguyện của CSR không hoàn hảo. Thay vào đó, tài liệu thực nghiệm liên tục nhấn mạnh rằng chế độ này không phải là thuốc chữa bách bệnh cho những vấn đề của CSR và quy định của công ty; nó có nhiều hạn chế nội tại có khả năng cản trở tính hiệu quả của việc áp dụng trách nhiệm xã hội (UNEP, 1998). Hiệu quả của chế độ này phần lớn phụ thuộc vào những người tham gia tiềm năng tin rằng có đủ lợi ích cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Khi không có lợi ích kinh doanh như vậy, chế độ này có thể không hiệu quả và điều này có thể là được hiểu là một điểm yếu của CSR (Raino và Outi).
2.2. Lý thuyết bắt buộc trong việc áp dụng trách nhiệm xã hội:
Do những nhược điểm của chế độ tự nguyện của CSR, một số học giả đã phát triển một nhóm tư tưởng có tên “Luật doanh nghiệp tiến bộ”. Họ bác bỏ bản chất tự nguyện của CSR, tập trung vào đạo đức tự trị và đề xuất những thay đổi bắt buộc toàn diện hơn nhiều đối với cấu trúc pháp lý cơ bản của các doanh nghiệp (Kent, 2001), ủng hộ chế độ bắt buộc của thực hiện các nguyên tắc CSR trong quy định của công ty. Chế độ này đề cập đến việc thực hiện các nguyên tắc này trong các tổ chức doanh nghiệp thông qua quy định. Nói cách khác, nó dựa trên quy định pháp lý ràng buộc bằng ý chí chính trị và quyền lực chủ quyền của một quốc gia, và do đó, cơ quan thực thi pháp luật buộc phải thực hiện theo chỉ dẫn của cơ quan quản lý.
Những người ủng hộ quy định cho rằng nhà nước cần can thiệp vào thị trường để thúc đẩy CSR. Đối với họ, việc thực hiện trách nhiệm xã hội không nên hoàn toàn theo ý muốn của các công ty, vì các tác nhân thị trường không hành xử hợp lý mọi lúc và các nền kinh tế không phải lúc nào cũng tự cân bằng, ngay cả trong trạng thái phúc lợi tích cực (Joseph, 2001).
Các công ty thường có xu hướng tập trung vào kết quả kinh doanh của họ, dẫn đến có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các công ty để tối đa hóa thị phần cá nhân, Do vậy các công ty có xu hướng vi phạm nhiều hơn để tạo ra sự độc quyền đảm bảo lợi nhuận cao nhất trong một thời gian dài. Trong những trường hợp này, chính phủ cần can thiệp vào hành vi của các công ty để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người và khôi phục việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nhau. Hơn nữa, nhà nước nắm trong tay công cụ pháp luật có thể điều tiết hành vi của mọi cá thể, tổ chức trong xã hội nên dễ dàng buộc doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, xét ở tâm lý tự nhiên của con người, điều bắt buộc luôn gây ra ức chế và tạo ra phản ứng không muốn tuân theo. Đối với doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội phải thực hiện sẽ trở thành điều bắt buộc nếu nó làm cho lợi nhuận doanh nghiệp giảm. Hành vi của doanh nghiệp theo lẽ tự nhiên là tìm cách không thực hiện trách nhiệm xã hội theo quy định miễn là lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng. Hiện tượng biết luật vẫn phạm luật hay lách luật diễn ra là hậu quả tất yếu cho các quy định pháp luật chưa chặt chẽ và đủ mạnh đã tạo ra tâm lý bắt buộc cho doanh nghiệp khi thi hành. Chí phí xã hội do đó mà tăng cao hơn. Vì thế Nhà nước phải là người tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả cho doanh nghiệp sao cho vừa đảm bảo lợi ích của riêng doanh nghiệp vừa hướng hoạt động của doanh nghiệp tạo ra nhiều phúc lợi cho toàn xã hội.
Như vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không nên được hiểu là một nghĩa vụ hoàn toàn tự nguyện hay chỉ là các quy định bắt buộc đơn thuần mà là một nghĩa vụ của doanh nghiệp tự thân thực hiện các quy tắc, quy định trách nhiệm xã hội mang tính bắt buộc.
2.3. Lý thuyết kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc:
Sự mâu thuẫn trong các bằng chứng và lập trường đặc trưng cho cuộc tranh luận tự nguyện so với bắt buộc của CSR đã dẫn đến các định nghĩa và phương pháp tiếp cận CSR mới bao gồm cả các khía cạnh tự nguyện và bắt buộc.
Cuộc cách mạng trong thay đổi đinh nghĩa của Liên minh châu Âu về CSR là một ví dụ. Năm 2001, Ủy ban Châu Âu đã phát triển “Green Paper” về CSR (2001), trong đó mô tả CSR tích hợp các mối quan tâm xã hội và môi trường vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và trong sự tương tác với các bên liên quan của doanh nghiệp trên cơ sở tự nguyện. Định nghĩa năm 2001, đã trở thành một trong những tài liệu được trích dẫn thường xuyên nhất trong tài liệu CSR (Dahlsrud, 2008), nhấn mạnh một cách rõ ràng rằng việc chịu trách nhiệm xã hội có nghĩa là vượt ra ngoài những gì được pháp luật yêu cầu để đáp ứng nhu cầu xã hội và các bên liên quan (Cominetti & Seele, 2011). Do đó, trong gần một thập kỷ, Ủy ban Châu Âu đã nhấn mạnh và ủng hộ bản chất tự nguyện của CSR, thúc đẩy cách tiếp cận chiến lược đối với các vấn đề CSR. Tuy nhiên, vào năm 2011, Ủy ban đã bắt đầu xem xét khái niệm mới về CSR bao gồm cả các khía cạnh bắt buộc. Ủy ban không chỉ nhận ra sự cần thiết phải thừa nhận vai trò mà quy định bổ sung đóng vai trò tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tự nguyện đáp ứng trách nhiệm xã hội của họ (Ủy ban châu Âu, 2011, trang 5), nhưng nó cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ quan công quyền trong việc hỗ trợ CSR mật thông qua chính sách tự nguyện thông minh các biện pháp và, khi cần thiết, quy định bổ sung (Ủy ban châu Âu, 2011, tr.7). Do đó, mặc dù Ủy ban tiếp tục coi CSR chủ yếu là sự tự nguyện tham gia, nó cũng nhận ra vai trò quan trọng của các cơ quan chính trị trong việc khuyến khích và kiểm tra sự tham gia đó (Aßlander, 2016), bằng cách bảo lưu quyền can thiệp pháp lý nếu các hoạt động của công ty trong lĩnh vực CSR không đủ. Theo đó theo nhìn nhận của Ủy ban Châu Âu, CSR là cách tiếp cận có hệ thống, tích hợp các yếu tố phi tài chính vào quyết định hoạt động kinh doanh dựa trên cơ sở xây dựng hướng đến phát triển bền vững, thay vì làm xói mòn hoặc phá hủy đối với nền kinh tế, xã hội, con người và nguồn tài nguyên.
Những cuộc tranh luận cùng với những kết quả thực hiện CSR, đã làm dấy lên một lý thuyết mới kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc trong việc thực hiện CSR. Theo Sheehy (2015), CSR có thể được hiểu là một hình thức của luật pháp hoặc quy định, và không chỉ là một công cụ quản lý hoặc một nỗ lực để điều chỉnh các công ty tổn hại xã hội. Theo đó CSR không chỉ đơn thuần là một tập hợp các quy tắc bắt buộc bởi các cơ quan công quyền. Mà là một tập hợp các quy định tự điều chỉnh, có sự hổ trợ của chính phủ. Sự kết hợp giữa tự nguyện và bắt buộc này không tập trung vào việc bãi bỏ quy định hoặc đưa ra những quy định nghiêm ngặt mà là thiết kế lại quy định để cung cấp cho các chiến lược của riêng các doanh nghiệp nhằm đáp ứng các mục tiêu chính sách công. Nói cách khác, nó gợi ý một sự thay đổi của quy định theo cách thúc đẩy cạnh tranh.
3. Thực trạng thực hiện CSR của doanh nghiệp tại Việt Nam:
3.1. Vai trò của nhà nước:
-         Các chính sách của Đảng và chính phủ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, thông qua những chính sách này nhà nước thực hiện những điều chỉnh và tạo công bằng xã hội.
-         Các cơ quan quản lý đưa ra những quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường, thông qua nghị định thư Kyoto năm 2002, những quy định về an toàn phúc lợi cho người lao động trong Bộ luật Lao động…
-         Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã được hình thành và hoạt động trên thực tế, có đóng góp thiết thực, như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Hiệp hội ngành nghề, như Dệt may, Xuất khẩu Thuỷ sản, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, v. v. Nhiều tổ chức đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động thực hiện các tiêu chuẩn và quy định của trách nhiệm xã hội, nhất là đối với người lao động và người tiêu dùng.
3.2. Thực trạng thực hiện CSR của các doanh nghiệp ở Việt Nam:
Trong những năm gần đây, theo tạp chí công thương, khi VN gia nhập WTO, các Doanhg nghiệp Việt Nam mà khởi đầu là các Doanh nghiệp xuất khẩu mới bắt đầu quan tâm đến CSR vì phải đáp ứng các tiêu chuẩn trong các bộ quy tắc ứng xử CoC (Cod of Conduct), tiêu chuẩn SA: 8000 (trách nhiệm xã hội đối với người lao động), ISO - 14000 (trách nhiệm xã hội đối với môi trường).
Bên cạnh đó một số các doanh nghiệp lớn cũng có nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội tiêu biểu như:
-         Tập đoàn Lộc Trời: do quá trình làm việc chặt chẽ với nông dân, tập đoàn dành một phần lợi nhuận để phân phối lại cho nông dân thông qua các chương trình xã hội, chuyển giao kỹ thuật và từ thiện. Chẳng hạn như quỹ chăm sóc sức nông dân với những hoạt động chữa bệnh và mổ mắt miễn phí, triển khai chương trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón an toàn không gây hại môi trường.
-         Tập đoàn FPT: dành ngân sách khoản 30 tỷ đồng mỗi năm vào các hoạt động trách nhiệm xã hội, chẳng hạn như cứu trợ thiên tai, giáo dục đặc biệt là công nghệ. Nổi bật là cuộc thi giải toán qua mạng ViOlympic, hay trao các học bổng cho các thí sinh tham gia thi tuyển vào đại học FPT.
-         Công ty sữa Vinamilk: ngoài chương trình quỹ sữa vươn cao cung cấp hàng nghìn ly sữa miễn phí cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, còn duy trì việc khuyến nông, tư vấn dịch vụ miễn phí về kỹ thuật chăn nuôi, năm 2016 công ty cho biết đang phát triển sản phẩm sữa organic không sử dụng thực phẩm biến đổi gene, không hocmone tăng trưởng.
Tuy nhiên việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp ở Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế và thách thức. Nhiều doanh nghiệp có các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính, không bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động, gây ô nhiễm môi trường, sản xuất kinh doanh hàng kém chất lượng....
Theo tác giả Nguyễn Minh Phong và Nguyễn Trần Minh Trí, việc sử dụng các công nghệ máy móc lạc hậu và chưa tự giác trong việc tuân thủ bảo vệ môi trường. Các vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của công ty Formosa Hà Tĩnh hay trước đó là công ty Vedan dẫn đến những hậu quả về môi trường nghiêm trọng là những tiếng chuông cảnh báo cho những vi phạm về trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó việc nợ tiền bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động, tình trạng lao động trên 35 tuổi bị thất nghiệp ở các khu vực doanh nghiệp FDI cũng đáng báo động.
Những hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở Việt Nam:
Nhìn chung ở Việt Nam do hiệu lực của pháp luật thấp, và trách nhiệm thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước rất mờ nhạt. Điển hình là vụ gây ô nhiễm của công ty Vedan, không được xử lý kịp thời do có sự xử lý không nghiêm minh của cơ quan chức năng.
Thiếu cơ sở pháp lý cho các cơ quan phối hợp giữa các hiệp hội và cơ quan nhà nước nên việc áp dụng thực hiện và kiểm tra các tiêu chuẩn, các bộ quy tắc ứng xử trở nên khó khăn.
Nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp còn thấp, chưa thực sự quan tâm đến những lợi ích mà CSR mang lại.
Người tiêu dùng chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm hay quan tâm đến thương hiệu của những doanh nghiệp đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.
Như vậy việc thực hiện CSR ở Việt Nam đang nghiêng theo xu hướng có sự bắt buộc của nhà nước thông qua luật bảo vệ môi trường, luật lao động, luật an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định về báo cáo tài chính. Tuy nhiên việc thực thi pháp luật còn lỏng lẽo, một số cán bộ quản lý nhà nước còn dung túng cho những vi phạm của doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp chưa thực sự tự nguyện thực hiện CSR hoặc chỉ mới ở tầm nhận thức hoạt động CSR là hoạt động từ thiện (theo nguồn khảo sát doanh nghiệp BP500 do Việt Nam Report thực hiện tháng 02/2018). Đồng thời một số doanh nghiệp thì thực hiện CSR tuân theo các bộ quy tắc ứng xử để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chứ chưa thực sự tự nguyện.
Các giải pháp để khắc phục hạn chế:
- Trước hết cần phải cải thiện hệ thống luật pháp, hoàn thiện cơ sở pháp lý, nghiêm khắc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, luật lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Cần tuyên truyền các lợi ích của việc thực hiện CSR cho doanh nghiệp, cũng như tuyên dương những doanh nghiệp đi đầu trong việc cam kết và thực hiện CSR. Đưa CSR vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh những thế hệ tương lai sẽ có ý thức hơn về CSR
- Khuyến khích hoạt động các hiệp hội các tổ chức phi chính phủ, nhằm tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội trong các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Tài liệu tiếng anh:
Allen White, “Business Brief: Intangibles and CSR” (2006) Business for Social Responsibility 6.
Cominetti, M. and Seele, P. (2016). Hard soft law or soft hard law? A content analysis of CSR guidelines typologized along hybrid legal status. UWF, published online: 02 December 2016.
Dahlsrud, A. (2008). How corporate social responsibility is defined: An analysis of 37 definitions. Corporate Social Responsibility and Environmental Management 15, 1-13.
European Commission. (2011). A renewed EU strategy 2011–14 for corporate responsibility [COM(2011) 681]: Commission of the European Communities, Brussels. Retrieved March 22,2015.
Fraser Tennant, The importance of corporate social responsibility, November 2015.
Garriga, E. and Melé, D. (2004). Corporate social responsibility theories: Mapping the territory.
Journal of Business Ethics53, 51-71.
Joseph Stiglitz, An Agenda for Development for the Twenty-First Century, The Global Third Way Debate (2001)345; for details of this Nobel Laureate Economist’s Arguments on this point, see Generally Joseph Stiglitz, ‘The Economic Role of the State: Efficiency and Effectiveness in the Public Domain’ (Institute of Public Administration, 1991); Joseph Stiglitz, ‘Globalisation and the Economic Role of the State in the New Millennium’ (2003) 12(1) Industrial and Corporate Change 3;World Bank, ‘World Development Report 1997—The State in A Changing World’ (World Bank, 1997)
Kent Greenfield, ‘Corporate Social Responsibility: There’s a Forest in Those Trees: Teaching About Corporate Social Responsibility’ (2000) 34 Georgia Law Review 1011; Kellye Y. Testy, ‘Capitalism and Freedom: For Whom?: Feminist Legal Theory and Progressive Corporate Law’ (2004) 67(4) Law and Contemporary Problems 87; Lawrence E. Mitchell, Corporate Irresponsibility: America’s Newest Export (2001).
Mc Williams, A. and Siegel, D. (2001). Corporate social responsibility: A theory of the firm
perspective. The Academy of Management Review 26(1), 117-127.
Micheal, B. (2003): “Corporate Social Responsibility in International Development: An Overview and Critique” Corporate Social Responsibility Environmental Management, Vol 10(3), pp 115-128
Michael Peters and R. Kerry Turner, ‘SME Environmental Attitudes and Participation in LocalScale Voluntary Initiatives: Some Practical Applications’ (2004) 47(3) Journal of Environmental Planning and Management 449, 7.
OECD, Reforming Environmental Regulation in OECD Economies (1997); Carlo Carraro and Domenico Siniscalco, ‘Voluntary Agreements in Environmental Policy: A Theoretical Appraisal’ in Anastasios Xepapadeas (Ed), Economic Policy for the Environment and Natural Resources (1996); Kilian Bizer and Ralf Julich, ‘Voluntary Agreements-Trick or Treat?’ (1999) 9(2) European Environment 59; Rinaldo Brau and Carlo Carraro, ‘Voluntary Approaches, Market Structure and Competition’ (CAVA, 1999).
Porter, M. and Kramer, M. (2006). Strategy and society: The link between competitive advantage and corporate social responsibility. Harvard Business Review 84, 78-92.
Raino Sairinen and Outi Teittinen, ‘Voluntary Agreements as An Environmental Policy Instrument in Finland’ (1999) March-April European Environment 67.
Sheehy, B. (2015). Defining CSR: Problems and solutions. Journal of Business Ethics 131, 625-648.
UNEP, Voluntary Initiatives, Industry and Environment (1998).
Tài liệu tiếng việt:
Nguyễn Minh Phong và Nguyễn Trần Minh Trí, “Tăng cường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp FDI về bảo vệ môi trường và người lao động”, Tạp chí cộng sản.

No comments:

Post a Comment

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...