Thursday, January 10, 2019

Những điểm mới của Luật quản lý và sử dụng tài sản công và một số chia sẻ về phương pháp giảng dạy môn Tài chính Hành chính sự nghiệp


Những điểm mới của Luật quản lý và sử dụng tài sản công và một số chia sẻ về phương pháp giảng dạy môn Tài chính Hành chính sự nghiệp
Trần Thị Vinh *[1]
Tóm tắt
Các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập của Việt Nam có quá trình lịch sử phát triển, đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và đảm bảo an sinh xã hội. Quản lý tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp được xem là công cụ quản lý thu chi của ngân sách nhà nước tại đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Môn Tài chính hành chính sự nghiệp (Tài chính HCSN) hiện nay được đưa vào chương trình giảng dạy trong khối ngành kinh tế và đặc biệt quan trọng đối với ngành kinh tế công của hầu hết các trường đại học. Môn học này sẽ giúp người học hiểu và vận dụng được các vấn đề cơ bản trong công tác quản lý tài chính ở các đơn vị hành chính sự nghiệp; các chính sách, chế độ thu, chi tài chính và nhất là việc quản lý sử dụng tài sản công tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Đây là các môn học thú vị nhưng nội dung thì thường xuyên phải cập nhật theo sự thay đổi liên tục của các chính sách và các văn bản pháp lý có liên quan. Điều này khiến cho các giảng viên và học viên hiện đang giảng dạy và theo học bộ môn này thật sự băn khoăn. Bài viết được thực hiện nhằm khái quát hóa một số điểm mới chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chia sẻ các vấn đề đang gặp phải trong quá trình dạy môn Tài chính HCSN. Bên cạnh đó, bài viết mong muốn đóng góp một số kiến nghị trong việc đổi mới và hoàn thiện phương pháp giảng dạy cho bộ môn hành chính sự nghiệp nói dung và môn Tài chính HCSN nói riêng.
Từ khóa: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tài chính hành chính sự nghiệp

1.      Đặt vấn đề
Kể từ ngày 01/01/2018, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 21 tháng 6 năm 2017 có hiệu lực và thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 ngày 03/06/2008. Luật này quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Tài sản công được hiểu là những tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước và cả những tài sản thuộc sở hữu của toàn dân. Do vậy quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công được coi là nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ đối với Chính phủ mà đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và nhân dân. Vậy Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 có những điểm gì mới so với Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12? Bài viết này tóm lượt 10 điểm mới chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Ở các nội dung tiếp theo, tác giả chia sẻ một số thông tin liên quan đến môn học Tài chính HCSN đang được giảng dạy tại Khoa Kế toán Kiểm toán – Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh và đóng góp một số kiến nghị trong việc hoàn thiện phương pháp giảng dạy của môn học này.

2.      Một số điểm mới chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
-          Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) năm 2008 chỉ điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng TSNN khu vực hành chính sự nghiệp, chưa bao quát hết các loại tài sản công cần quản lý, dẫn tới chưa nắm được tổng thể nguồn lực từ tài sản công để có kế hoạch, biện pháp quản lý, khai thác phù hợp. Trong khi đó, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 đã điều chỉnh tới tất cả các loại tài sản công được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, bao gồm: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
-          Thứ hai, ngoài việc xác định vai trò của tài sản công là để phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, thì Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó quy định các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công bao gồm: Giao quyền sử dụng tài sản; cấp quyền khai thác tài sản; cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản; góp vốn, liên doanh, liên kết; sử dụng tài sản để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước; bán, thanh lý tài sản; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
-          Thứ ba, bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm việc sử dụng, khai thác tài sản đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình.
-          Thứ tư, bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về tài sản công và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra sai phạm.
-          Thứ năm, giao thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức đối với xe ô tô công, trụ sở làm việc cho Chính phủ (hiện nay thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ); bổ sung các quy định để đảm bảo việc ban hành tiêu chuẩn, định mức được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm tuân thủ, giám sát, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong toàn bộ quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, khai thác, xử lý tài sản công để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện thời gian vừa qua.
-          Thứ sáu, bổ sung một số hình thức mới trong đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng, xử lý tài sản công bao gồm: Mua sắm tập trung; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp theo hình thức PPP, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; huy động vốn để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập; ghi giảm tài sản do nguyên nhân bất khả kháng; thuê quản lý vận hành tài sản công.
-          Thứ bảy, điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng tài sản là bất động sản đã giao cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp từ cơ chế áp dụng như cơ quan nhà nước theo Luật hiện hành sang cơ chế cho phép tổ chức được khai thác như đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản.
-          Thứ tám, đối với tài sản kết cấu hạ tầng: Tất cả các tài sản kết cấu hạ tầng đều phải được giao cho đối tượng quản lý để xác định chủ thể chịu trách nhiệm trước Nhà nước trong quản lý đối với loại tài sản này; mọi tài sản kết cấu hạ tầng phải được bảo trì theo quy định, nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và an toàn khi sử dụng. Quy định các phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; chế độ quản lý, sử dụng đối với tài sản kết cấu hạ tầng được đầu tư theo hình thức PPP về các nội dung: Bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng để thực hiện dự án PPP, chế độ báo cáo, chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng theo hợp đồng PPP cho Nhà nước.
-          Thứ chín, quy định một số nội dung quản lý đối với tài sản công do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp để rõ quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan, tránh sử dụng lãng phí, thất thoát tài sản, cũng như có cơ chế để quản lý, sử dụng, phát triển nhóm tài sản này.
-          Thứ mười, quy định việc tổ chức xử lý tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về nhà nước được thực theo nguyên tắc tập trung để bảo đảm việc xử lý kịp thời, chuyên nghiệp, hiệu quả. Quy định các nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên; cụ thể hóa các hình thức, phương thức khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên (với vị trí là một loại tài sản công quan trọng). Quy định việc hình thành hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, trong đó có hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản công trực tuyến...

3.      Nội dung giảng dạy môn Tài chính HCSN ở bậc đại học
Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách nền tài chính công, việc thay đổi công tác quản lý tài chính cho phù hợp là sự cần thiết khách quan. Vì vậy, môn học Tài chính HCSN trong những năm gần đây được bổ sung vào chương trình đào tạo ngành kế toán của nhiều trường đại học nhằm định hướng cung cấp nguồn nhân lực cho các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Về mặt học thuật, theo đề cương môn học Tài chính HCSN, sau khi kết thúc học phần này người học sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản về quản lý tài chính tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Học viên có thể giải thích vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa đơn vị dự toán với ngân sách Nhà nước, trình bày và đánh giá các phương pháp quản lý tài chính và quy trình quản lý tài chính. Bên cạnh đó, người học sẽ giải thích được các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công cũng như cơ sở và cách thức vận dụng các quy định cấp phát; thanh toán và quyết toán vốn đầu tư hàng năm và khi dự án đầu tư hoàn thành vào công tác quản lý tài chính các dự án đầu tư. Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác là ứng dụng lập dự toán thu chi tài chính; tổ chức chấp hành dự toán; xử lý ngân sách cuối năm và quyết toán thu chi tài chính tại cơ quan, đơn vị, tổ chức ở mức độ cơ bản.
Đến đây chúng ta có thể đưa ra nhận xét như sau, đơn vị hành chính sự nghiệp là các đơn vị, cơ quan hoạt động bằng nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên cấp phát hoặc bằng nguồn kinh phí khác để phục vụ các nhiệm vụ của Nhà nước, chủ yếu là các hoạt động chính trị xã hội và không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là môn học thuộc lĩnh vực tài chính công. Tài chính công là một khái niệm hiện đại xác định các quan hệ kinh tế và tài chính phát sinh trong hệ thống kinh tế giữa các chủ thể công quyền như cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các chủ thể khác như doanh nghiệp, hộ gia đình, công dân, các tổ chức phi lợi nhuận. Như vậy, Tài chính công gắn liền với bộ máy Nhà nước, phục vụ cho việc thực hiện các chức năng của Nhà nước và vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với toàn bộ nền kinh tế, do đó phạm vi ảnh hưởng của tài chính công rất rộng rãi. Trong khi đó, môn tài chính hành chính sự nghiệp chỉ dừng lại ở mức cung cấp các kiến thức và kỹ năng nền tảng cho sinh viên. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng mục tiêu giảng dạy môn Tài chính HCSN không phải là đào tạo ra các chủ tài khoản hay các chuyên viên kế toán chuyên nghiệp ngay sau khi ra trường, mà để cung cấp cơ sở kiến thức nền nhằm giúp cho các sinh viên này có khả năng thích ứng nhanh khi bước vào môi trường thực tế. Do đó, không tránh khỏi việc tồn tại một khoản cách khá xa so với yêu cầu kiến thức và kỹ năng của một kế toán viên chính thực thụ tại lĩnh vực hành chính sự nghiệp.

4.      Những khó khăn trong giảng dạy môn Tài chính HCSN tại bậc đại học
Tài chính HCSN thực sự trở thành công cụ của Nhà nước để phục vụ và thực hiện các chức năng quản lý của Nhà nước. Hoạt động tài chính của các đơn vị hành chính sự nghiệp rất đa dạng, liên quan đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và tác động đến mọi chủ thể trong xã hội. Vậy câu hỏi đặt ra là liệu có những khó khăn gì trong việc giảng dạy môn Tài chính HCSN hiện nay hay không?
·         Thứ nhất, khó khăn đầu tiên đến từ bản chất lĩnh vực hành chính sự nghiệp. Học viên được cung cấp rất nhiều khái niệm và thuật ngữ mới, các nội dung được trình bày trong văn bản mang tính hàn lâm cao. Do đó, trách nhiệm của giảng viên là giúp cho người học nắm bắt các khái niệm và quy định này một cách dễ hiểu nhất.
·         Khó khăn tiếp theo đến từ đối tượng học. Môn học Tài chính HCSN là một trong những môn học tự chọn thuộc chương trình đào tạo ngành kế toán. Bên cạnh đó, ngoại trừ những học viên hệ không chính quy đang làm việc tại khu vực công, thì các đối tượng còn lại thường ít quan tâm đến môn học này vì họ cho rằng việc xin được việc làm trong các đơn vị hành chính sự nghiệp là không dễ dàng. Điều này đòi hỏi giảng viên cần nghiên cứu để xây dựng, điều chỉnh nội dung và thời lượng của môn học cho phù hợp.
·         Thứ ba, việc tăng tính hấp dẫn cho bài giảng cũng là một vấn đề mà các giảng viên gặp phải, đặc biệt là đối với các giảng viên trẻ và có ít kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp, dễ dẫn đến việc bài giảng mang nặng tính lý thuyết. Việc tăng tính hấp dẫn của bài giảng và phong cách giảng dạy góp phần không nhỏ trong việc quyết định mức độ tiếp thu của sinh viên.

5.      Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả trong phương pháp giảng dạy môn Tài chính HCSN tại bậc đại học
Có thể thấy có nhiều khó khăn và thách thức trong việc giảng dạy môn Tài chính HCSN tại bậc đại học hiện nay. Từ kinh nghiệm của bản thân và tìm hiểu một số phương pháp giảng dạy tích cực và chủ động đang được áp dụng hiện nay, tác giả nêu ra một số giải pháp để nâng cao tính hiệu quả trong giảng dạy môn học này như sau:
         Để giúp cho người học nắm bắt các khái niệm và thuật ngữ mang tính hàn lâm cao trong các văn bản pháp quy, giảng viên có thể bắt đầu với việc thiết kế slide bài giảng của mình. Các slide không nên chỉ bao gồm các định nghĩa khó hiểu và khô khan, thay vào đó giảng viên có thể trình bày các định nghĩa này dưới dạng sơ đồ, cụ thể hóa bằng các ví dụ hoặc tình huống minh họa, nhất là cụ thể hóa các quy định bằng cách đưa các tình huống thực tế vào giờ giảng.
·         Giảng viên cần có kiến thức rộng thực tế về lĩnh vực hành chính sự nghiệp bên cạnh nền tảng vững vàng về chuyên môn, phải hiểu biết về đặc điểm người học và các chiến lược giảng dạy hiệu quả. Kiến thức rộng giúp giảng viên liên hệ kiến thức của những môn học khác nhau, giữa lý thuyết và thực tế giúp bài giảng gắn kết với chương trình đào tạo, với thực tiễn và tạo niềm hứng thú, đam mê cho sinh viên. Điều này có được qua các buổi hội thảo chung của giảng viên nhiều môn học. Bên cạnh đó, việc dự giờ, trao đổi chuyên môn cũng rất hữu ích cho vấn đề này. Các giảng viên cũng phải tiếp tục quá trình học tập của mình qua các chương trình nâng cao và các lớp tập huấn, làm các đề tài, nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, với mục tiêu cung cấp kiến thức nền cho người học, việc đưa quá nhiều thực tế vào bài giảng đôi khi có tác dụng ngược lại. Thay vì làm tăng tính hấp dẫn của bài giảng, việc đưa vào quá nhiều tình huống thực tế có thể khiến bài giảng trở nên quá xa rời vì hầu hết người học có ít hoặc thậm chí không có những kinh nghiệm thực tế đối với lĩnh vực công. Việc điều chỉnh, tăng, giảm các yếu tố thực tế để tăng chất lượng bài giảng cần được xem xét một cách hợp lý. Hiểu biết về đặc điểm người học và chiến lược giảng dạy hiệu quả giúp giảng viên tìm được các phương pháp giảng thích hợp cho từng đối tượng, điều chỉnh bài giảng linh hoạt để đạt mục tiêu học tập.
·         Như đã đề cập trong phần những khó khăn của môn học, môn học Tài chính HCSN được giảng dạy cho nhiều đối tượng đa dạng, bao gồm cả những sinh viên chưa từng làm việc tại khu vực công hay cả những người đang công tác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp. Điều này đòi hỏi việc xây dựng, điều chỉnh nội dung và thời lượng của môn học cho phù hợp. Với các đối tượng chính quy, số lượng kiến thức cần được cung cấp nhiều về số lượng và sâu về chất lượng, giảng viên có thể tăng thời lượng thuyết giảng, kết hợp với phát triển khả năng tự đọc, tự nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề; rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, thuyết trình và trả lời câu hỏi. Tuy nhiên đối với các đối tượng học khác, việc điều chỉnh các nội dung và phương pháp giảng dạy là cần thiết.

6.      Kết luận
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15 được kỳ vọng sẽ tạo lập cơ sở pháp lý tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Do đó, việc cập nhật kiến thức cho học viên về nội dung này trong môn học Tài chính HCSN là cần thiết.
Có thể kết luận rằng việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực là thật sự cần thiết trong thời đại nay, ở đó mọi thông tin tri thức của nhân loại luôn được cập nhật. Do đó, việc nghiên cứu để sử dụng phương pháp giảng dạy tích cực nào cho phù hợp là tâm huyết của mỗi giảng viên. Có một điều chắc chắn rằng học tập từ chính kinh nghiệm bản thân luôn là phương pháp hiệu quả nhất và mức độ đảm bảo cho việc thành công khi áp dụng tình huống thực tế vào bài giảng và đòi hỏi rất nhiều nổ lực và thích ứng của từng giảng viên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Quốc hội (2017), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/06/2017;
2.      Phan Thị Thúy Ngọc (2016), Tài chính Hành Chính - Sự Nghiệp, Nhà xuất bản Lao động;
3.      Nguyễn Thành Hải, Phùng Thúy Phượng và Đồng Thị Bích Thủy (2010), Giới thiệu một số phương pháp giảng dạy cải tiến giúp sinh viên học tập chủ động và trải nghiệm, đạt các chuẩn đầu ra theo CDIO. Hội thảo CDIO, Trung tâm Nghiên Cứu Cải Tiến Phương Pháp Dạy và Học ĐH, Trường ĐH Khoa học Tnhiên – Đại hc Quc Gia Tp.HCM
4.      ThS. Lê Đoàn Minh Đức (2013). Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của người học. [Trực tuyến: http://tgu.edu.vn/Pages/TGU/TopicDetail/3506] (Tham khảo ngày 19/04/2015)
5.      Các bài viết trên website:
Một số điểm mới chủ yếu của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Một số điểm mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017


*Thạc sĩ, Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Email: vinh.tt@ou.edu.vn

No comments:

Post a Comment

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm.

Ứng dụng hóa đơn điện tử vào doanh nghiệp ở Việt Nam – góc nhìn từ các nhà cung cấp giải pháp phần mềm. TS. Vũ Quốc Thông Khoa Kế toán...